Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã từng bước hoàn thiện các quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao nâng hiệu quản quản lý, khai thác từng loại đất, nhất là đất nông nghiệp. Từ đó, giúp người dân có điều kiện canh tác phù hợp tạo ra sản phẩm nông nghiệp ngày một có giá trị kinh tế cao.
Nâng cao giá trị đất nông nghiệp
Theo số liệu của tỉnh Đắk Lắk, trong hơn 1,3 triệu ha đất tự nhiên, có gần 630.000 đất nông nghiệp, trong đó có hơn 50% là đất đỏ bazan rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hiện toàn tỉnh có hơn 210.000 ha cà phê, 34.000 ha cao su, 32.000 ha hồ tiêu, hơn 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000 ha ngô…Trong đó, cây cà phê vẫn đang là cây trồng chủ lực và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân và nguồn thu của địa phương.
Hiện nay, ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk đã có một vị trị rất quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước và nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Ở Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê, tuy nhiên diện tích và sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, gấp nhiều lần mức bình quân của các tỉnh khác. Ngoài ra, hoạt động sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan; cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu và là nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2020 đạt 209.955 ha, sản lượng 557.659 tấn với mức năng suất đạt 28,60 tạ/ha.
Trong những năm vừa qua, quy mô sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định với thuận lợi là nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng; ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến; sự phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao hiện nay đang được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn của Đảng và Nhà nước; trình độ người sản xuất cà phê trong tỉnh Đắk Lắk ngày càng được cải thiện, người dân đang từng bước chuyển đổi hướng canh tác theo hướng an toàn và bền vững hơn.
Điển hình như gia đình anh Đinh Xuân Thuỷ, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chuyển cả gia đình từ Thái Bình vào từ những năm 2000. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế khó khăn gia đình với số tiền tích góp được anh Thuỷ mua được hơn 1ha đất rồi trồng cà phê và xen một số cây ăn trái như sầu riêng, bờ…Sau hơn 3 năm trồng và chăm sóc, gia đình anh Thuỷ có thu hơn 3 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, thời điểm đó giá cà phê rớt xuống thấp nên anh Thuỷ và gia đình lấy công làm lời.
Sau nhiều năm gắn bó cũng như rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng cà phê. Đến nay, vườn cà phê của anh Thuỷ đã được mở rộng gần 3ha. Theo anh Thuỷ, tỉnh Đắk Lắk với lợi thế đất đỏ ba zan cộng với khí hậu nắng mưa hai mùa rõ rết nên cây cà phê trồng rất phù hợp. “Chúng tôi thấy, cà phê trồng ở đây rất phù hợp với chất đất, nếu giá cả ổn định khoảng trên 40 nghìn đồng/kg thì người nông dân như chúng tôi trừ các khoản chi phí vẫn có lãi hơn 50 triệu đồng/ha” – anh Thuỷ chia sẻ.
Hiệu quả từ chính sách
Mặc dù, nguồn lực đất đai rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế thì vấn đề chính sách cũng như công tác quản lý quy hoạch cần có chiến lược lâu dài và hiệu quả. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm và chú trọng triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để đảm bảo cho công tác quản lý tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn được nghiêm túc tổ chức thực hiện, trong đó, tỉnh chú trọng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nông thôn đến năm 2020 với tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung đạt 100%. Về quy hoạch khu chức năng, đã xây dựng 2 khu công nghiệp (Phú Xuân, Hòa Phú); quy hoạch chi tiết xây dựng 5 cụm công nghiệp (Tân An, Ea Ral, Krông Búk 1, Ea Đar, M’Drắk); 3 khu du lịch (Hồ Lắk, cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur, cụm thác Buôn Đôn).
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, công tác quản lý tài nguyên nói chung và đất đai nói riêng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để đảm bảo cho công tác quản lý. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh được nghiêm túc tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nông thôn đến năm 2020 với tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung đạt 100%.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nói chung và đất đai nói riêng. Song song đó, tỉnh Đắk Lắk tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, siết chặt quản lý xây dựng, đầu tư, không để xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng quy hoạch sử dụng đất tích hợp, thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai.