Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp là phát triển theo hướng từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững, chính vì vậy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương đang được tập trung đẩy mạnh.
Sản xuất cà phê theo mô hình tiết kiệm nước ở Đắk Lắk. (Ảnh: K.V) |
Với lợi thế là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, thời gian qua Đắk Lắk đã đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con áp dụng công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, đối với cây cà phê, hầu hết nông dân đều biết áp dụng công nghệ làm phân vi sinh từ việc tận dụng vỏ cà phê và các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây. Bên cạnh đó, đáng chú ý hơn cả là rất nhiều chương trình sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RFA, Fairtrade… đã và đang mang lại cho người sản xuất, doanh nghiệp, cộng đồng nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Cùng với đó là công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới cho cây cà phê cũng được áp dụng thí điểm ở nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nước, phân bón và tăng năng suất cho vườn cây.
Việc áp dụng công nghệ cho canh tác cà phê đã làm tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu, người nông dân được hưởng lợi từ giá cộng thêm và giá bán cao hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường có yêu cầu cao, qua đó vừa bán được sản phẩm giá cao, vừa cải thiện được hình ảnh chất lượng của cà phê Việt. Không những thế, khi áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất đã góp phần kết nối thành công “4 nhà” trong việc phối hợp, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Đồng thời, nông dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, tăng cường cây che bóng và một số cây phủ đất để giữ ẩm và cải tạo đất, dần bỏ được thói quen canh tác cực đoan, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…
Ngoài những lớp dạy nghề, tập huấn, các ngành chức năng và địa phương ở Đắk Lắk còn tập trung hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật thực hiện như: mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, sản xuất cà phê có chứng nhận chất lượng, quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học, nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm… Qua thực tế cho thấy, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và đời sống nhân dân. Tại huyện Krông Ana, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng được thể hiện qua thực tiễn nông dân trồng nấm khi có thể cho ra sản phẩm theo ý của mình. Cụ thể, phương pháp trồng theo kiểu treo ngang bịch nấm và cho nấm ra cổ khắc phục được những nhược điểm so với trồng nấm theo phương pháp truyền thống treo đứng và rạch nhiều vết trên bịch nấm…
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, việc sáng tạo và áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Dù quy mô và mức độ đầu tư của địa phương cho các mô hình còn ở bước khởi đầu, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh nhưng có nhiều mô hình đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa, đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận nhân dân.
Ngoài ra, từ việc tham gia thực hiện các mô hình bước đầu đã thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh của nhiều vùng địa phương trước đây; đặc biệt, hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Ví dụ như ở Buôn Đôn đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đồng hành với bà con thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trị giá hàng tỷ đồng như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, đậu, cà phê sang trồng cây ăn trái (cam, quýt, chuối Nam Mỹ) và phát triển kinh tế trang trại đa cây, đa con…
Đưa mô hình chăn nuôi trang trại vào các buôn, làng ở Tây Nguyên. (Ảnh: K.V) |
Từ việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho bà con ở các địa phương, Đắk Lắk đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đã tổ chức khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M’gar, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với 24 dự án cam kết đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Ông Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, Nghị quyết đại hội lần thứ 17 của tỉnh Đắk Lắk và các nghị quyết chuyên đề đã đặt ra các lĩnh vực ưu tiên phát triển có lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng lợi thế, những thế mạnh về nông nghiệp địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, doanh nghiệp được xác định có vai trò “hạt nhân” thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản… Với tinh thần này, Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với bà con ở địa phương phát triển kinh tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong hơn 10 năm trở lại đây, Đắk Lắk đã thu hút được trên 70 dự án đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng trên 100 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Đắk Lắk đã xây dựng hàng loạt vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung thông qua mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, với khoảng 400 hợp tác xã và hàng trăm tổ hợp tác nông nghiệp. Với những mục tiêu trên, hy vọng Đắk Lắk xây dựng được lộ trình, quy mô và thời gian thực hiện cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có hướng đầu tư trọng điểm, bền vững./.